Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 quốc gia thành viên chính thức có hiệu lực từ ngày 30.12.
Ảnh: Monash Lens – Monash University
11 nền kinh tế bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam chính thức ký kết CPTPP vào đầu tháng 3.
Có ít nhất 6 nước tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn thì CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau đó. Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước…
Sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker tỏ ý hoan nghênh: “Với CPTPP, lần đầu tiên chúng tôi có thỏa thuận thương mại với 3 nền kinh tế Nhật, Canada, Mexico. Hiệp định khi có hiệu lực đầy đủ có khả năng giúp các nhà xuất khẩu New Zealand tiết kiệm khoảng 149,01 triệu USD tiền thuế mỗi năm”.
Ngân hàng đầu tư HSBC ra thông cáo cho biết ngay khi CPTPP có hiệu lực thì đợt giảm thuế quan thứ nhất cũng đã được bắt đầu bởi 6 quốc gia phê chuẩn trước.
Úc hy vọng hiệp định tạo điều kiện thuận lợi giúp họ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản mà đặc biệt là lúa mì. Chủ tịch Vince Peterson của Hiệp hội Lúa mì Mỹ từng lo ngại thị phần 53% mà nước này chiếm giữ ở Nhật Bản sắp tới sẽ bị cạnh tranh dữ dội bởi đối thủ Úc và Canada.
Còn người tiêu dùng Nhật Bản nay sẽ mua được thực phẩm nhập khẩu với giá rẻ hơn, trong khi nhiều nhà sản xuất có thể tăng xuất khẩu. Canada giảm thuế áp với ô tô nhập khẩu từ 6,1% về 0% trong vòng 5 năm.
Nguồn: Soha